Enda Việt Nam đã triển khai một chương trình lồng ghép cho các nhóm dân tộc thiểu số khác nhau ở 4 tỉnh thành phố là Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Ngãi và Phú Yên. Trong gia đoạn từ năm 1997-2002 với sự hỗ trợ về mặt tài chính của CORDAID, Enda Việt Nam đã lựa chọn nhiều đối tác địa phương nhằm triển khai thí điểm những dự án nông thôn này. Cụ thể là, ở Gia Lai, Enda Việt Nam chọn Công ty Cao Su để phát triển mô hình đồn điền cao su tại các hộ gia đình; Ở Đắk Lắk, Enda Việt Nam làm việc với Hội Làm vườn và Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để triển khai các mô hình phát triển nông thôn dựa vào cộng đồng; Ở Quảng Ngãi, Enda Việt Nam kết hợp với Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng với Trung tâm Khuyến nông của Quảng Ngãi; Đoàn Thanh niên, Nhóm thanh niên tình nguyện và Trung tâm Khuyến nông Tỉnh Phú Yên thực hiện các dự án liên quan. Ngoài ra, Enda Việt Nam hợp tác với các tư vấn địa phương đến từ trường Đại học Tây nguyên nhằm hỗ trợ kĩ thuật cho các địa phương.

Chương trình nhằm mục tiêu nâng cao tính bền vững của các hệ thống nông nghiệp, lâm nghiệp và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe, vệ sinh môi trường và các vấn đề xã hội khác; xây dựng các dịch vụ kĩ thuật tại nguồn và xây dựng năng lực cho cộng đồng trong việc xác định và giải quyết các vấn đề. Ngoài ra, Enda Việt Nam còn có mục tiêu chuyển giao dự án cho địa phương và xây dựng mạng lưới với phương pháp tiếp cận mới trong việc phát triển nông thôn, nhấn mạnh vào sự tham gia của cộng đồng. Các chương trình phát triển nông thôn có sự tham gia của cộng đồng đã được các tổ chức Phi Chính phủ quốc tế giới thiệu rộng rãi ở các tỉnh thành Phía Bắc. Tuy nhiên, do tư tưởng thận trọng và nhạy cảm về chính trị đối với các vấn đề về Đồng bào Dân tộc Thiểu số từ các cấp địa phương mà các chương trình này chưa được triển khai nhiều ở khu vực Miền Trung- Tây Nguyên.
Mặc dù chương trình thí điểm đã nhận được sự hỗ trợ từ phía đối tác địa phương, các dự án tại Miền Trung Tây Nguyên, đặc biệt là tại Gia Lai gặp phải nhiều khó khăn trong việc nhân rộng và mở rộng do chính sách hạn chế các hoạt động của Tổ chức Phi Chính phủ Quốc tế do cuộc xáo trộn chính trị vào tháng 03-2001.
Enda Việt Nam định hướng thử nghiệm thành lập hệ thông khuyến nông dựa vào nông dân cùng với việc xây dựng các làng nghề nông nghiệp nhằm mở rộng chương trình khuyến nông có sự tham gia để hỗ trợ những đối tượng và hệ thống khuyến nông chưa thể tiếp cận do hạn chế về nhân sự và kĩ năng làm việc với các nhóm dân tộc thiểu số. Phạm vi của dự án sẽ được hạn chế trong khu vực miền núi của hai tỉnh đồng bằng duyển hải là Quảng Ngãi và Phú Yên vì tư tưởng của lãnh đạo địa phương rất cởi mở và có tinh thần hợp tác.